Bạn gì ơi ! Bạn chưa đăng ký tài khoản kia !!!. Đăng ký ngay!

Thông tin bài đăng

Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội

Đăng tại chuyên mục Trường THPT Nguyễn Hữu Quang

Mã tin: 903

Admin
Admin
Quản Trị Viên
https://truongthpt.forumvi.com
Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội
Vừa rồi, công ty Văn hóa Khang Việt và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa phát hành cuốn sách Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội. Tác giả cuốn sách là TS Phạm Ngọc Hiền, Ths Lê Tấn Thích và Đào Tấn Trực cùng với sự cộng tác bài vở của nhiều tác giả khác trong cả nước. Cuốn sách gồm 75 bài văn, mỗi bài gồm ba phần: câu hỏi, hướng dẫn lập dàn ý và bài văn mẫu. Sau đây, chúng tôi xin đăng lại lời giới thiệu cùng với một bài văn tiêu biểu trong cuốn sách.

LỜI GIỚI THIỆU

Từ lâu, trong chương trình Ngữ văn các nước tiên tiến, phần nghị luận xã hội giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Còn ở nước ta những năm gần đây, vị thế của thể văn này cũng ngày được chú trọng. Nó không còn giới hạn trong những bài viết kiểm tra giữa năm học từ bậc THCS đến THPT. Hiện nay, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng đều có câu nghị luận xã hội chiếm 3 điểm. Và đây cũng là câu gây sự chú ý của dư luận nhất... Trong tương lai, nghị luận xã hội sẽ càng được chú trọng hơn bởi nó thiết thực, gắn bó với cuộc sống và qua bài làm có thể đánh giá được khả năng tư duy độc lập cùng với thái độ, tình cảm của người viết.
Hiện nay, có khá nhiều sách tham khảo nghị luận văn học nhưng còn rất ít sách nghị luận xã hội. Để giúp các bạn có thêm tài liệu học tập, chúng tôi đã biên soạn cuốn "Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội". Đây là công trình tập thể của nhiều giảng viên Đại học, giáo viên THPT và có sự cộng tác bài vở của các bạn học sinh, sinh viên, nhà báo... Nhân đây, cho chúng tôi gửi lời cảm ơn những tác giả đã có bài trong tuyển tập. Thư từ góp ý hoặc yêu cầu tư vấn miễn phí xin gửi về địa chỉ email: phamngochien.com@gmail.com
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn học sinh. Chúc các bạn thành công !
TM. NHÓM BIÊN SOẠN
TS. PHẠM NGỌC HIỀN

ĐỀ 7

Anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình trong một bài văn về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Hướng dẫn lập dàn ý
- Giới thiệu khái quát mục đích học tập và trích dẫn câu nói do UNESCO -Tổ chức Khoa học - Giáo dục của tổ chức Liên Hiệp Quốc đề xướng.
- Học là hoạt động thu nhận kiến thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo do người khác truyền lại. Mục đích học tập là yếu tố quan trọng tạo ra động lực thúc đẩy và định hướng cho hoạt động học tập của con người.
- Học để biết là mục đích cơ bản nhất của việc học tập, yêu cầu người học tiếp thu kiến thức. Đó là những hiểu biết cơ bản về tự nhiên và xã hội có liên quan đến cuộc sống con người.
- Học để làm là học tập để có khả năng lao động, tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và đóng góp cho gia đình, xã hội.
- Học để chung sống là học để có khả năng hòa nhập với cộng đồng người, tạo ra mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó, bền vững,.. với gia đình, bạn bè, xóm làng, đồng nghiệp.
- Học để tự khẳng mình - học tập để có thể phát huy, bộc lộ những khả năng lớn nhất của bản thân; để được xã hội thừa nhận những khả năng ấy từ đó khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
- Con người sinh ra không thể biết hết mọi điều trong cuộc sống. Học là cách tốt nhất để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức của bản thân ta (dẫn chứng).
- Người học phải luôn có ý thức vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn để khắc sâu thêm kiến thức, để phục vụ đời sống của cá nhân, gia đình, xã hội, để từng bước hoàn thiện nhân cách (dẫn chứng).
- Quá trình học tập và vận dụng kiến thức vào thực tiễn sẽ cho ta nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu trong cuộc đời. Điều đó sẽ giúp ta có kĩ năng sống tốt hơn với hoàn cảnh sống, và mọi người xung quanh (dẫn chứng).
- Khi con người có kiến thức biết vận dụng vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, thích nghi với hoàn cảnh, môi trường thì thành công nhất định sẽ đến. Vị thế xã hội, đạo đức, trí tuệ của người đó sẽ được khẳng định (dẫn chứng).
- Mọi người cần phải ra sức học tập, nhất là thế hệ trẻ trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa để tạo ra những động lực học tập tốt đẹp góp phần xây dựng và phát triển thế giới..
- Việc học có thể diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, cả khi thành công lẫn khi thất bại.
- Phê phán những người không chịu học, học lí thuyết suông mà không vận dụng vào thực tiễn, không có khả năng thích nghi với hoàn cảnh sống...
- Khẳng định mục đích học tập do UNESCO đề xướng là tiến bộ phù hợp thực tế, bám sát những yêu cầu của cuộc sống; rút ra bài học cho bản thân

Bài làm tham khảo

Trong thời đại khoa học tiên tiến như hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Học tập là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Vậy học hỏi để làm gì? Trả lời cho câu hỏi này, UNESCO đã đề xướng mục đích học tập:" Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình ".
Mục đích học tập mà UNESCO đề ra không chỉ phù hợp với thời đại hiện nay mà còn là mục đích rất nhân văn. Mục đích học tập phải đáp ứng hai yêu cầu: tiếp thu kiến thức và yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Trước hết "học để biết". Bài học đầu tiên của mỗi học sinh là học chữ cái, con số rồi cách viết, cách đọc. Chính từ nền tảng cơ bản nhất ấy đã dần hình thành nên một hệ thống kiến thức toàn diện ở mức phổ thông. Học ở đây là quá trình tiếp nhận kiến thức do người khác truyền lại và tự mình làm giàu vốn kiến thức cho mình. Qua việc học, chúng ta biết được những quy luật vận động của tự nhiên, những quy tắc chuẩn mực của xã hội, cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Thu nhận kiến thức có thể nói là mục đích học tập cơ bản nhất. Học tập trau dồi trí thức cho con người và làm cho trí tuệ con người sáng rạng ra.
Trong xã hội ngày nay, tri thức là tiền đề quan trọng. Để hoàn thành được công việc có kĩ thuật cao cần phải nắm vững lí thuyết để vận dụng cho phù hợp. Công nghệ hiện đại khác nhiều với việc cày cấy, luân phiên mùa vụ của nông dân trên đồng ruộng. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ tạo ra năng suất công việc cao hơn. Qua đây, ta thấy được tác động hai chiều giữa "học" và "hành", "biết" và "làm", chúng bổ sung, tương tác với nhau, hai mặt của một quá trình.
Bên cạnh việc đề cao giữa thu nhận kiến thức và thực hành, UNESCO đã chỉ ra: "học để chung sống, học để tự khẳng định mình". Đây chính là mục đính học tập rất nhân văn. Học tập giúp ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, làm cho những trạng thái tâm hồn ta trở nên linh hoạt hơn, đa dạng phong phú hơn. Ta đã biết mỉm cười trước niềm vui của người khác, biết đau trước những nỗi đau của con người, biết giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông và tìm được chính mình. Tri thức tự nó đã là sức mạnh giúp cho con người rộng lượng hơn, vị tha hơn và tự tin hơn trong cuộc sống.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã tác động đến suy nghĩ con người. Một bộ phận học sinh, sinh viên thời nay đã không xác định đúng đắn mục đích học tập của mình. Họ miệt mài trong học tập như cái máy, coi việc học như nghĩa vụ, trách nhiệm không thể chối bỏ, đối với cha mẹ, thầy cô. Họ học cho bằng cấp, cho sự nghiệp công danh mà họ trở nên thực dụng trong việc học và quên đi lợi ích của việc học, thiết nghĩ: nếu như cả xã hội này coi học tập chỉ là nghĩa vụ bắt buộc và chỉ dừng lại ở mức độ biết thì mỗi cá nhân sẽ không phát huy được tài năng, cá tính sáng tạo của bản thân và vô tình kìm hãm sự phát triển xã hội. Vì vậy việc xác định mục đích học tập là rất quan trọng.
Mục đích học tập mà UNESCO đề xướng rất đúng đắn, nhân văn. Qua đó ta định huớng học tập dẽ dàng hơn, việc học trở nên hiệu quả và hữu ích hơn. Tri thức như một cái thang dài vô tận, bước qua mỗi bậc thang ta có thêm hành trang để tự tin bước lên bậc kế tiếp. Học vấn làm đẹp con người!

2013-04-07, 17:01#1
Lãng Tử
Lãng Tử
Người Thiết Kế
thánks ad Tuyển tập những bài văn nghị luận xã hội 3247591219

2013-04-14, 20:13#2
Đăng ký tài khoản để trả lời bài viết bạn nhé. Đăng ký ngay!
Quyền hạn của bạn
Bạn không có quyền trả lời bài viết